DIAPEX ở đây để luôn đảm bảo thiên thần nhỏ được chăm sóc

Close Menu

Các cột mốc khám thai định kỳ quan trọng để bảo vệ “Mẹ thông thái” và “Bé Mông Xinh”

Mang thai là một hành trình kỳ diệu nhưng cũng đầy thách thức. Để đảm bảo hai mẹ con đều khỏe mạnh từ những tháng đầu tiên cho đến khi bé chào đời, mỗi lần khám thai đều có mục tiêu quan trọng giúp phát hiện và ngăn ngừa các biến chứng có thể xảy ra. Dưới đây là những cột mốc khám thai quan trọng mà mẹ thông thái cần ghi nhớ và và thực hiện đầy đủ để chuẩn bị thật tốt cho sự ra đời của “bé mông xinh”.  

Các cột mốc khám thai định kỳ.

1. Tam cá nguyệt thứ nhất (3 tháng đầu thai kỳ)

Kỳ khám thai lần 1: tuần 5 – tuần 8

Ở giai đoạn đầu tiên này, mẹ chỉ cần thực hiện những kiểm tra cơ bản để đánh giá sức khỏe tổng thể và sự phát triển của bé yêu trong bụng: 

  • Kiểm tra chỉ số BMI: Mẹ sẽ được đo cân nặng và chiều cao để tính chỉ số BMI, giúp bác sĩ đánh giá tình trạng thừa cân hay thiếu cân. Từ đó, bác sĩ sẽ hướng dẫn mẹ kiểm soát cân nặng phù hợp, đảm bảo một thai kỳ khỏe mạnh.
  • Kiểm tra huyết áp: Bác sĩ sẽ kiểm tra huyết áp để phát hiện sớm nguy cơ tiền sản giật, một biến chứng nguy hiểm trong thai kỳ có thể ảnh hưởng đến cả mẹ và bé.
  • Siêu âm phôi thai: Lần siêu âm này nhằm xác định tình trạng thai, vị trí túi thai trong tử cung và phát hiện sớm trường hợp thai ngoài tử cung nếu có.
  • Xét nghiệm máu: Mẹ sẽ được thực hiện xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ hormone hCG, đồng thời sàng lọc một số bệnh nguy hiểm như viêm gan, HIV/AIDS, bệnh sởi và các bệnh nhiễm trùng khác.
  • Tính tuổi thai và dự đoán ngày sinh: Dựa trên các kết quả kiểm tra, bác sĩ sẽ tính tuổi thai và dự đoán ngày sinh để mẹ có kế hoạch chăm sóc sức khỏe và chào đón bé mông xinh tốt nhất.

Kỳ khám thai lần 2: tuần 11 – tuần 13.

Ở mốc khám thai lần 2, bác sĩ cũng sẽ tiến hành kiểm tra tổng quát để đánh giá sức khoẻ của mẹ, bao gồm kiểm tra chỉ số cân nặng, huyết áp, xét nghiệm máu và nước tiểu, siêu âm. Tuy nhiên, sẽ có thêm 2 phần kiểm tra quan trọng mới mà mẹ nên chú ý: 

  • Đo độ mờ da gáy: Đây là một xét nghiệm quan trọng giúp phát hiện sớm nguy cơ dị tật bẩm sinh, đặc biệt là hội chứng Down. Nếu kết quả đo độ mờ da gáy bất thường, bác sĩ sẽ chỉ định mẹ làm thêm các xét nghiệm như Double test để kiểm tra kỹ hơn. Tuy nhiên, kể cả khi xét nghiệm đo độ mờ da gáy bình thường, bác sĩ vẫn khuyên các mẹ mang thai ở độ tuổi 35 trở lên/đã từng sảy thai, thai lưu, đã từng sinh con mang dị tật bẩm sinh/nhiễm virus khi đang mang thai hoặc gia đình từng có người mắc dị tật nên thực hiện thêm Double Test để đảm bảo kết quả chính xác.
  • Xét nghiệm Double test: Đây là xét nghiệm máu nhằm phát hiện nguy cơ về một số hội chứng dị tật bẩm sinh. Nếu cần thiết, bác sĩ sẽ tư vấn cho mẹ thực hiện thêm các xét nghiệm khác như sàng lọc trước sinh không xâm lấn hoặc sinh thiết gai nhau để chẩn đoán chính xác tình trạng sức khỏe của bé.

2. Tam cá nguyệt thứ hai (3 tháng giữa thai kỳ)

Kỳ khám thai lần 3: tuần 16 – tuần 22: 

Vào giai đoạn này, ngoài những kiểm tra sức khỏe tổng quát để đánh giá tình trạng phát triển của bé, nếu mẹ chưa thực hiện xét nghiệm Double Test, bác sĩ sẽ chỉ định mẹ thực hiện xét nghiệm khác, bao gồm:   

  • Xét nghiệm Triple test: Nếu mẹ chưa thực hiện xét nghiệm Double test, bác sĩ sẽ chỉ định Triple test, một xét nghiệm máu giúp phát hiện nguy cơ dị tật bẩm sinh.
  • Xét nghiệm chọc ối: Trong trường hợp các kết quả trước đó cho thấy thai nhi có nguy cơ dị tật bẩm sinh cao, bác sĩ sẽ đề nghị làm xét nghiệm chọc ối để xác nhận chính xác tình trạng sức khỏe của bé.

Kỳ khám thai lần 4: tuần 23 – tuần 28:   

Trong lần khám này, bác sĩ sẽ tiếp tục theo dõi sự phát triển của thai nhi, tim thai và sức khỏe của mẹ thông qua các chỉ số cân nặng, huyết áp, chiều cao tử cung và vòng bụng. Ngoài ra, mẹ sẽ được thực hiện một số xét nghiệm và siêu âm quan trọng:

  • Siêu âm 4D: Đây là thời điểm thích hợp để thực hiện siêu âm 4D, giúp kiểm tra hình thái học của thai nhi và phát hiện các bất thường về tim, tay, chân, bụng, não, cột sống, và thận của bé. Siêu âm này cũng giúp kiểm tra vị trí nhau thai và lượng nước ối.
  • Tầm soát tiểu đường thai kỳ: Bác sĩ sẽ thực hiện xét nghiệm nạp glucose để kiểm tra nguy cơ tiểu đường thai kỳ. Nếu phát hiện tiểu đường thai kỳ, mẹ sẽ được hướng dẫn thay đổi chế độ ăn và lối sống, thậm chí có thể cần sử dụng insulin nếu cần.

3. Tam cá nguyệt thứ ba (3 tháng cuối thai kỳ)

Kỳ khám thai lần 5: tuần 28 – tuần 32:

Ở giai đoạn này, ngoài các xét nghiệm tổng quát, bác sĩ sẽ tiến hành siêu âm hình thái học quý 3 để phát hiện những bất thường có thể xuất hiện trong tam cá nguyệt cuối.

Kỳ khám thai lần 6: tuần 33 – tuần 36:

Trong những tuần cuối của thai kỳ, mẹ sẽ được kiểm tra ngôi thai và theo dõi sự phát triển của bé. Từ lúc này, mẹ sẽ cần khám thai định kỳ 2 tuần một lần để đảm bảo thai nhi và mẹ luôn trong tình trạng tốt nhất. Trong một số trường hợp đặc biệt, bác sĩ có thể yêu cầu thêm các xét nghiệm khác tùy vào tình trạng cụ thể.

Kỳ khám thai lần 7: tuần 37 – tuần 40:  

Đây là cột mốc cuối cùng trước khi mẹ sinh. Mẹ sẽ được hẹn khám mỗi tuần để bác sĩ đánh giá sức khỏe của thai nhi và mẹ. Qua siêu âm và đo tim thai, bác sĩ sẽ kiểm tra sự phát triển của bé và tiên lượng khả năng sinh thường dựa trên cổ tử cung và khung chậu của mẹ.

Trong suốt quá trình mang thai, sẽ có nhiều xét nghiệm cũng như nhiều điều ba mẹ cần lưu ý để hai mẹ con trải qua một thai kỳ an toàn và khỏe mạnh. Nhưng mọi khó khăn đều sẽ qua chỉ cần ba mẹ nghĩ tới ngày đón bé mông xinh thật đáng yêu chào đời. Đừng quên ghé thăm DIAPEX để thường xuyên cập nhật các kiến thức về hành trình mang thai và nuôi dạy bé nhé.  

Để được tư vấn cụ thể hơn về tã Diapex, ba mẹ có thể liên hệ theo những thông tin sau:

Công ty TNHH NTPM (Việt Nam)

Từ khóa liên quan đến bài viết